Nhiều trường ĐH cố xin được đào tạo hệ trung cấp

Trong quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh vừa công bố, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều trường đại học có đào tạo hệ trung cấp đã bày tỏ quan điểm xin được giữ lại hệ đào tạo này.

 

Trong nhiều mùa tuyển sinh, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp hầu như không tuyển được học sinh vì hiện nay có quá nhiều trường đại học đào tạo hệ trung cấp, bởi tâm lý nhiều thí sinh thích thi vào hệ trung cấp ở các trường ĐH, CĐ vì dù sao bằng đóng dấu của ĐH cũng thấy có giá hơn trường trung cấp.
 
Chính vì lẽ đó, trong Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo nhiều trình độ thì ưu tiên xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao nhất, sau đó xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho trình độ đào tạo thấp hơn cho đến hết số chỉ tiêu đã xác định. Các đại học, học viện, trường đại học không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
 
Từ năm 2012, trường đại học, học viện sẽ không được đào tạo hệ trung cấp.
 
Năm 2010, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải được nâng cấp từ Trường CĐ Giao thông vận tải. Trước đó, Trường CĐ Giao thông vận tải được nâng cấp lên từ hệ trung cấp. Trong trường hiện đào tạo cả 3 hệ đại học, cao đẳng và trung cấp. Do vậy, trường luôn có số lượng thí sinh dự thi đông nhất nước.
 
Trước quy định mới trên, ông Nguyễn Văn Lâm, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: “Bộ quy định như vậy, chúng tôi rơi vào thế khó bởi vì hệ trung cấp của trường đào tạo đã lâu và có bề dày truyền thống nếu bây giờ bỏ thi thì rất phí. Để giữ lại truyền thống của mình, trường chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo bộ xin phép được tiếp tục đào tạo hệ trung cấp”.
 
Tương tự, Trường ĐH Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng với lý do bề dày truyền thống, ông Bùi Đức Hiền trưởng phòng đào tạo của trường cho hay: “Trường có bề dày truyền thống 50 năm đào tạo từ hệ trung cấp. Bên cạnh đó, đặc thù riêng của trường là đào tạo công nhân trong hệ thống điện quốc gia cho ngành điện lực nên có đầy đủ điều kiện, thiết bị mà các trường trung cấp khác không có. Chính vì vậy, trường sẽ báo cáo Bộ xin phép được tiếp tục đào tạo hệ trung cấp”.
 
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng là trường đa hệ từ trung cấp tới đại học nên hàng năm số lượng sinh viên dự thi vào đông để tìm cơ hội như nếu không đỗ đại học có thể học cao đẳng hoặc học trung cấp tại trường rồi học liên thông lên. Tuy nhiên, xác định được việc đào tạo này, trường đã làm dự án dự kiến xin Bộ tách hệ trung cấp, hệ cao đẳng nghề để thành lập trường cao đẳng mới.
 
Lãnh đạo của một trường ĐH cũng có hệ đào tạo trung cấp lo lắng cho rằng, sẽ gây khó khăn cho một số trường ĐH có cơ sở 2 vào ngõ cụt vì nhiều cơ sở 2 của nhiều trường đại học thành lập trên cơ sở một trường trung cấp hay cao đẳng nào đó vào đại học hiện có. Sau sát nhập, các cơ sở này vẫn tiếp tục đào tạo hệ trung cấp và đào tạo hệ đại học. Nếu quy định này không thay đổi thì cơ sở 2 nhiều trường đại học sẽ lâm nguy. Nhiều cán bộ ngạch trung cấp sẽ làm gì, đi đâu, về đâu? Cơ sở vật chất và các nguồn lực hiện có sẽ thanh lý bằng cách nào? Hàng chục nghìn học sinh bậc trung cấp đang học sẽ xử lý thế nào? Những vấn đề này chưa được làm rõ trong Thông tư.
 
Ngược lại với ý kiến của nhiều trường trên, ông Đinh Văn Chỉnh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp, lại tán thành chủ trương của Bộ là đại học không nên đào tạo nhiều hệ và sẽ thực hiện luôn trong mùa tuyển sinh 2012.
 
“Chúng tôi sẽ thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh tới bởi vì hàng năm Bộ giao chỉ tiêu hệ trung cấp cho trường là 200 nhưng năm nào cũng không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí năm 2010 trường chỉ tuyển được 100 chỉ tiêu. Năm nay trường sẽ không tuyển hệ trung cấp” - ông Chỉnh nói.
 
PGS.TS Phạm Văn Điển, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp cho hay: “Nếu việc cấm này tạo sự điều kiện tốt hơn cho việc mở rộng các trường trung cấp, cao đẳng thì có lý hơn. Suy cho cùng các đại học, học viện, trường đại học cũng cần tập trung vào việc lớn để đảm bảo chất lượng”.
 



 

 

Hướng dẫn khai thác thư viện số